Khởi NghiệpTầm Nhìn Khởi Nghiệp

Góc nhìn từ CEO Kido chủ quản toà nhà về sự thất bại của Parkson Hùng Vương khi trả lại mặt bằng

Cuối tháng 4/2023, Chi nhánh Parkson Vietnam đã nộp đơn lên TAND TP HCM để xin phá sản tự nguyện. Parkson Hùng Vương phải trả lại mặt bằng cho Công ty CP Hùng Vương, doanh nghiệp nơi CEO Kido – ông Trần Lệ Nguyên đang nắm 44% cổ phần. Trao đổi với báo giới, ông Nguyên cho biết, thay vì tìm khách thuê mới, Kido đã nhận lại mặt bằng và cải tạo để chính thức khai trương trở lại dưới thương hiệu Vạn Hạnh Mall.

dien mao moi cua hung vuong plaza tu thang 8 nay
Diện mạo mới của Hùng Vương Plaza từ tháng 8 này

Parkson Hùng Vương Plaza do Parkson Việt Nam vận hành từ 2007 và là một trong những trung tâm thương mại lớn nhất thời kỳ đầu của Parkson. Sau khi đi vào hoạt động, trung tâm này liên tục thua lỗ và đã đóng cửa từ cuối năm ngoái.

“Năm 2022 khoảng tháng 6-8, Parkson nợ của Hùng Vương Plaza lên tới hơn 1 năm tiền thuê, nên mình biết là họ đã mất cân đối tài chính. Do đó, bên Kido đã có đàm phán và giãn nợ cho họ. Từ thời điểm Parkson rút thì Công ty đã nhận lại, cải tạo để sắp tới chính thức khai trương trở lại là Vạn Hạnh Mall thứ hai, sử dụng lại thương hiệu Vạn Hạnh Mall. Sắp tới, Kido cũng sẽ tăng sở hữu tại Hùng Vương Plaza này lên lại 76%”, CEO Kido, ông Trần Lệ Nguyên chia sẻ với truyền thông.

Thay vì tìm đối tác thuê khác thế chỗ Parkson, Kido đã nhận lại và cải tạo để chính thức khai trương trở lại trong tháng 8 này với tên gọi Hùng Vương Plaza.

Khi được hỏi có lo ngại về những nguyên nhân khách quan khiến Parkson “rút lui” như vị trí không tốt, lưu lượng khách ít… hay không, ông Trần Lệ Nguyên cho rằng:

Parkson đặt tại Hùng Vương Plaza cách đây gần 20 năm rồi, nên thất bại của họ chủ yếu do mô hình cũ, không còn hợp với xu hướng hiện nay. Parkson cũng không chú trọng việc cơ cấu tỷ lệ các nhãn hàng, không chú trọng mảng F&B… nên không thu hút được các bạn trẻ.

Còn Vạn Hạnh Mall mới sẽ khác, chúng tôi chú trọng cơ cấu và đa dạng các dịch vụ. So với một bên rất thành công là Takashimaya, họ rất thành công và thu hút khách. Nhưng với khách trẻ, túi tiền không nhiều sẽ không phù hợp, thì Vạn Hạnh Mall mới này sẽ là lựa chọn thay thế”.

Ông Nguyên cũng nhấn mạnh, mô hình Parkson thực tế không chỉ thất bại tại Việt Nam, mà cả ở Trung Quốc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Parkson gia nhập đất nước tỷ dân từ rất sớm. Năm 1994, Parkson đã mở cửa hàng đầu tiên tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Đến năm 2000, Parkson đã có gần 20 cửa hàng ở quốc gia này.

Mười năm sau, vào năm 2010, Parkson khai trương cửa hàng thứ 47 tại Chiết Giang, Trung Quốc.

Năm 2018, Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Parkson với quy mô bán hàng hơn 15 tỷ Nhân dân tệ đứng thứ 49 trong TOP 100 Doanh số bán lẻ hàng đầu của Trung Quốc.

Tổng cộng trong thời gian hoạt động tại đất nước tỷ dân, Parkson đã mở tổng cộng 57 cửa hàng. Tuy nhiên, những năm gần đây, Parkson đang đi lùi. Điều này có thể thấy thông qua con số 42 cửa hàng hiện tại trên website của Parkson Trung Quốc ở 29 thành phố.

parkson4

Ngày 20/8/2013, các hội viên Parkson tại Thạch Gia Trang – một thành phố lớn loại I của Trung Quốc, thuộc tỉnh Hà Bắc – đồng loạt nhận được tin nhắn có nội dung: “Hội viên Parkson thân mến, do điều chỉnh chiến lược phát triển, chúng tôi quyết định chính thức đóng cửa từ ngày 31/08/2013, chấm dứt hoạt động từ ngày 1/9/2013”.

Đó là lần thứ hai Parkson rút lui khỏi Thạch Gia Trang. Lần đầu tiên, Parkson đã tiến công vào thị trường này với định vị cao cấp, giới thiệu các thương hiệu như Opel, Benathone,… nhưng do sự khác biệt trong triết lý kinh doanh của các cổ đông Trung Quốc và nước ngoài cũng như mô hình kinh doanh, định vị thương hiệu cùng nhiều lý do khác, Parkson phải đóng cửa.

Năm 2009, lần thứ hai Parkson vào Thạch Gia Trang với 3 TTTM, tổng diện tích bán lẻ lên tới 43.500 mét vuông nhưng Parkson vẫn không thể thành công.

Nói về nguyên nhân của việc đóng cửa này, một bài báo trên Tân Hoa xã đã dẫn ý kiến của Tổng thư ký Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Tào Nhuận Đình phân tích: Yếu tố trực tiếp dẫn đến việc chấm dứt kinh doanh là lợi nhuận không đạt kỳ vọng còn nguyên nhân thì có nhiều.

Là một doanh nghiệp nước ngoài, việc nghiên cứu về mô hình kinh doanh địa phương bao gồm cả việc lựa chọn địa điểm, giới thiệu thương hiệu, mô hình kinh doanh, danh mục sản phẩm để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp địa phương là điều cần thiết.

Nhưng Parkson đã chuẩn bị không đầy đủ. Họ chọn “lớn và đầy đủ”, mà không có lợi thế so với các doanh nghiệp địa phương.

“Mặt khác, sự chuyển đổi của mô hình bách hóa truyền thống sang xã hội hóa, giải trí và trải nghiệm là xu hướng phát triển của ngành công nghiệp thương mại hiện nay”, Tào Nhuận Đình nói và nhận định thêm rằng, thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng đang thay đổi, trong quá khứ tình trạng “thương gia dẫn dắt người tiêu dùng” đã chuyển thành “thương nhân thích ứng với người tiêu dùng”.

Khi doanh nghiệp không theo kịp sự thay đổi tất nhiên sẽ bị loại bỏ, trong môi trường lớn với xu hướng thay đổi liên tục, hiện tượng “thương gia này đến, thương gia kia đi” trở nên bình thường.

parkson3

Quay trở lại câu chuyện Hùng Vương Plaza hậu chia tay Parkson, theo kế hoạch, tháng 8 tới đây, Kido sẽ tái khai trương trung tâm này và họ đang tràn ngập tự tin.

“Đây sẽ là Vạn Hạnh Mall thứ 2 với lối kinh doanh hiện đại và mang lại doanh thu cao” – ông Trần Lệ Nguyên chia sẻ.

Ceo Kido tự tin sẽ thổi làn gió mới vào mô hình kinh doanh trung tâm thương mại mới bất chấp bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Ông dẫn chứng Vạn Hạnh Mall (quận 10) bắt đầu kinh doanh từ 2018, trải qua 3 năm dịch bệnh nhưng vận hành tốt, doanh thu cao và tỷ lệ lấp đầy 100%.

Nguồn: cafef.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Back to top button